Thái Bình: Chế tạo máy cấy lúa không dùng động cơ TCN

Trong quy trình sản xuất lúa hiện nay, cấy lúa là khâu khó áp dụng cơ giới hóa vào nhất. Tại Thái Bình, đa số người dân vẫn cấy lúa bằng tay. Phương pháp này không chỉ tốn thời gian, nhân lực mà độ đồng đều của lúa cấy không cao, lúa dễ bi nghẹt rễ do người cấy không điều chỉnh được lực cổ tay lúc cấy, ảnh hưởng đến quá trình đẻ nhánh và làm giảm khả năng tăng trưởng của cây trồng, sụt giảm sản lượng. Anh Trần Đại Nghĩa – xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy cấy lúa nhỏ gọn không dùng động cơ TCN, rất thích hợp với đồng đất miền Bắc như Thái Bình. Giải pháp đã được trao giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo Khoa học – Công nghệ và Kỹ thuật Thái Bình lần thứ VI, năm 2014 – 2015.

Máy được làm bằng sắt, kết cấu vững chắc, thiết kế đơn giản gọn, nhẹ,  trọng lượng từ 22 -23 kg, dễ di chuyển ở mọi địa hình, mật độ cấy phù hợp với tập quán canh tác của người dân Việt, hàng cách hàng 200 mm – 230 mm. Máy cấy cùng lúc được 4 hàng lúa, vận hành nhẹ nhàng, không tốn nhiều sức lao động. Máy không dùng nhiên liệu nên rất thân thiện với môi trường, tiết kiệm đáng kể chi phí cho người nông dân. Các chi tiết máy rất đơn giản, dễ thay thế phụ tùng khi phát sinh hỏng, thuận lợi trong quá trình bảo trì, đồng bộ nhịp nhàng khi vận hành, sử dụng. Đặc biệt, máy có giá thành rẻ bằng 1/20 so với các loại  máy lớn nhập ngoại trên thị trường, thích hợp với mọi loại đồng ruộng, mọi diện tích khác nhau và phù hợp với túi tiền của đa số người dân.

Về cấu tạo, máy cấy lúa không dùng động cơ bao gồm các bộ phận sau:  Khung máy: được làm bằng sắt hộp nhẹ, bền.  Bàn trượt: Được làm bằng tôn mạ, lắp đặt phía dưới khung máy. Bàn trượt có tác dụng nâng đỡ máy và làm giảm trọng lượng của máy, giúp người điều khiển kéo máy  nhẹ nhàng như kéo đồ vật có trọng lượng 3kg trượt trên mặt ruộng. Giàn đựng mạ: Được làm bằng khung sắt hộp và tôn mạ, lắp đặt phía trên khung máy. Giàn có 4 khoang chứa mạ, tương ứng với 4 tay cấy.  Hệ thống truyền động: Ở phía dưới giàn đựng mạ. Hệ thống này có tác dụng biến đổi chuyển động lên xuống thành chuyển động ngang cho giàn đựng mạ, giúp tay cấy lấy mạ dễ dàng lần lượt từ trái qua phải, từ phải qua trái và từ dưới lên trên nhịp nhàng lần lượt đồng bộ. Hệ thống tay cấy: Được làm bằng sắt, có kết cấu chắc chắn và linh hoạt. được nắp ở phía trước khung máy. Tay cấy được gắn với cần điều khiển. Người điều khiển máy vừa kéo máy trượt trên mặt ruộng, vừa điều khiển tay cấy nhịp nhàng mà không tốn sức

Máy cấy lúa không dùng động cơ có nguyên tắc hoạt động rất đơn giản. Sau khi cho mạ vào khay, người điều khiển 1 tay kéo máy trượt trên mặt ruộng, đồng thời tay kia kéo cần điều khiển gắn với giàn mổ, kéo giàn mổ lên xuống,  lực từ cần điều khiển tác động đến 4 tay cấy cùng lúc. Lực này đồng thời truyền qua thanh truyền động, đưa vào hệ thống biến đổi chuyển động lên xuống thành chuyển động ngang cho giàn đựng mạ. Giàn đựng mạ chuyển động từ trái qua phải và ngược lại đều đặn và nhịp nhàng theo người điều khiển. Mỗi chu kỳ lên xuống của giàn mổ mất thời gian một giây, và mỗi lần như thế máy cấy được 4 khóm cùng lúc, 1 phút cấy  được 240 khóm, 1 giờ cấy được 14.400 khóm.  Mà mật độ cấy ở nước ta khoảng 40 khóm/m2, vậy trung bình mỗi giờ máy cấy được 360 m2 (tức 1 sào bắc bộ) cộng với thời gian tiếp mạ từ 10 – 20 phút, vậy trung bình 1h máy cấy được 1 sào. Công suất này bằng 6 người cấy thủ công bằng tay theo truyền thống.

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có máy cấy nào đơn giản, mà hiệu quả và không sử dụng động cơ, không tốn nhiên liệu như máy cấy lúa TDN. Máy cấy không chỉ có thiết kế hộp số truyền chuyển động cực kỳ đơn giản, vận hành linh hoạt không bị lầy thụt trong quá trình sử dụng, dễ di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác, rút ngắn thời gian cấy lúa mà còn cơ bản khắc phục được những nhược điểm của máy cấy nhập ngoại như: cồng kềnh, tốn nhiên liệu, khó di chuyển, hàng thưa…

Sử dụng máy cấy lúa TDN sẽ giúp bà con nông dân giảm chi phí ban đầu cho sản xuất, tăng năng suất lao động, từng bước đưa chủ trương cơ giới hóa toàn diện vào sản xuất nông nghiệp thực hiện thành công tại Thái Bình.

                                                                                                                           Tác giả bài viết: Vân Anh